Có ai không: 17, 18 tuổi “nó đã biết gì đâu”!

“Ở cái tuổi này nó đã biết gì đâu em!” – là phần lớn câu trả lời của các bậc phụ huynh có con em đang học lớp 11, 12 khi được hỏi: con anh chị muốn học ngành gì? sau này cháu muốn làm gì?
 
Trong quá trình làm việc, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp cha mẹ luôn cho rằng con mình còn bé, còn non nớt, chưa biết gì, thậm chí còn bao bọc, làm hộ, làm thay, thậm chí là trả lời thay…khi con đã 17, 18 tuổi.
 
Phải chăng các thanh thiếu niên 17, 18 tuổi này đang được đối xử như những đứa trẻ lên 3 do góc nhìn của cha mẹ hoặc do cha mẹ nghĩ con học gì, làm gì là phải theo định hướng, lựa chọn của cha mẹ?! Hay là do các con không lên tiếng, không chia sẻ về mong muốn, nguyện vọng hoặc không được trao quyền quyết định cho tương lai của chính mình?!
Trong quá khứ, lứa tuổi 17, 18 có khi đã là trụ cột của một gia đình, đã có con bồng con bế, hoặc chí ít cũng đã là lao động chính trong gia đình.
Thực tế ngày nay, 17 – 18 tuổi là lứa tuổi khoa học và xã hội bắt đầu ghi nhận sự trưởng thành của một con người. Tức là các con đã có sự lớn lên về mặt thể chất, về nhận thức và hành động, về cách suy nghĩ và tính trách nhiệm. Nhưng có thể, vì tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con nên cha mẹ đã không nhận ra “các con đã không còn bé”.
Đã đến lúc cha mẹ cần phải thay đổi…
Thay vì cha mẹ nghĩ các con còn bé, “tuổi này nó đã biết gì đâu”, thì cha mẹ nên tương tác với con theo cách tôn trọng. Đó là tôn trọng ý kiến và suy nghĩ của con. Tôn trọng qua việc lắng nghe con, hiểu những nhu cầu và ước muốn của con. Tôn trọng thực sự nghĩa là không áp đặt, độc đoán, mà là có sự “đàm phán thương lượng” trong ý kiến, chọn lựa, quyết định giữa cha mẹ và con. Cùng với đó là cho con không gian để thử nghiệm; những cơ hội để con chọn lựa, ra quyết định, giải quyết và chịu trách nhiệm về những vấn đề của con.

Thay vì việc nghĩ hộ, làm thay hoặc chịu trách nhiệm thay cho con, tôi nghĩ cha mẹ nên thử để con tập dần việc tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình – các con dần sẽ làm được và từng bước khẳng định bản thân không phải là còn nhỏ và “nó đã biết gì đâu!”

Đã đến tuổi các con cần phải thay đổi…
Các bạn trẻ (các con 17, 18 tuổi) cần rèn luyện sức mạnh nội tâm, đào sâu suỹ nghĩ, trang bị kiến thức và sức chịu đựng, sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn, sự thấu cảm và lòng biết ơn. Mặt khác, các bạn phải học cách khám phá và thấu hiểu bản thân, bởi chỉ khi thấy/biết/hiểu chính mình, các bạn mới có khả năng khai quật và phát huy tiềm năng, điều chỉnh và thay đổi; nếu có thì hãy biến từ: “Tôi không biết tôi không biết cái gì” thành “Tôi đã biết tôi đang không biết điều gì”. Hãy tìm ra cho mình những ước mơ, những mục tiêu trong đời, những khát khao để trở thành, hãy nhớ rằng: “có ở trong đầu – bạn mới có được trong tay”, “cuộc đời không có ước mơ – chúng ta như kẻ bơ vơ giữa đường”.

Hãy biến từ: “Tôi không biết tôi không biết cái gì” thành “Tôi đã biết tôi đang không biết điều gì”.

Thành công là do năng lực, chăm chỉ và kiên trì, bền bỉ. Còn nếu như các con đi theo sự lựa chọn hay sự sắp đặt của cha mẹ, nếu một lúc nào đó, trên chặng đường đi của mình, khi gặp khó khăn, con cũng sẽ tìm ra được lý do để “đổ trách nghiệm” cho một người/một yếu tố khách quan khác mà không phải nhận trách nhiệm về mình.
 
Mặt khác, cha mẹ và các con cũng cần có sự nghiên cứu hoặc được tư vấn một cách khoa học và chuyên nghiệp về việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Cần xác định được rõ giữa các vấn đề “sở thích”, “khả năng’’ và “nhu cầu thị trường” để từ đó đưa ra được lựa chọn phù hợp với tương lai của chính các con.
“Sự nỗ lực rất quan trọng, nhưng sự lựa chọn còn quan trọng hơn”
Kết lại: 17, 18 tuổi được xem như đã sống đến gần 1/4 cuộc đời, đây cũng là bước ngoặt quan trọng trong ngưỡng cửa cuộc đời, vậy nên đây là thời điểm các bạn khẳng định bản thân – tìm chân dung chính mình! Còn cha mẹ hãy là người đồng hành, khơi gợi, động viên và theo dõi từng bước trưởng thành của con!
                                                Nguyễn Minh Thịnh – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Amschool
14/04/2023
0912855733
icons8-exercise-96 chat-active-icon